Tin tức hoạt động của UBND Phường Tin tức hoạt động của UBND Phường

Đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực đất đai theo hướng minh bạch và đơn giản hóa của Luật Đất đai năm 2024
23/08/2024 | 10:28  | Lượt xem: 95

Đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực đất đai theo hướng minh bạch và đơn giản hóa của Luật Đất đai năm 2024

    Tiếp tục hoàn thiện, nâng cao năng lực các tổ chức dịch vụ công trong lĩnh vực đất đai. Có cơ chế đầu tư, chính sách đãi ngộ, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, trình độ cán bộ, công chức ngành quản lý đất đai; nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, đáp ứng yêu cầu quản lý hiện đại”. Thể chế hóa quan điểm chỉ đạo của Đảng tại Nghị quyết số 18-NQ/TW, khắc phục các tồn tại hạn chế và đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC) trong lĩnh vực đất đai, Luật Đất đai năm 2024 đã dành 1 Chương để quy định về nội dung này nhằm đẩy mạnh CCHC theo hướng minh bạch và đơn giản hóa, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao hiệu quả phục vụ người dân và doanh nghiệp.

     Điểm mới về CCHC trong Luật Đất đai năm 2024

    Từ thực tiễn trên cho thấy, đẩy mạnh thực hiện CCHC trong công tác quản lý ở lĩnh vực đất đai là rất cần thiết. Sự minh bạch và hiệu quả trong việc quản lý và cung cấp thông tin giúp cho hệ thống quản lý đất đai đáp ứng được những yêu cầu trong quá trình phát triển kinh tế và xây dựng đất nước, giúp người dân, doanh nghiệp thực hiện tốt hơn quyền tiếp cận đất đai, cải thiện môi trường đầu tư, đảm bảo phân rõ người, rõ trách nhiệm, rõ việc, rõ thời gian giải quyết, gắn với rà soát, cắt giảm thời gian giải quyết TTHC về giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất. Trên cơ sở tổng kết thi hành Luật Đất đai 2013, Luật Đất đai năm 2024 tiếp tục kế thừa quy định Luật năm 2013 giao Chính phủ quy định các TTHC trong lĩnh vực đất đai. Theo đó, Luật vừa thông qua đã dành một Chương (Chương XIV) quy định TTHC về đất đai gồm có 7 điều (Từ Điều 223 - 229). So với Luật Đất đai năm 2013, nội dung Chương này đã sửa đổi, bổ sung thêm 4 điều (ngoài 3 điều đã được quy định trước đây gồm các nội dung quy định TTHC về đất đai, công khai TTHC về đất đai và thực hiện TTHC về đất đai) gồm: (i) Các TTHC về đất đai, (ii) Công bố, công khai TTHC về đất đai; (iii) Trách nhiệm thực hiện TTHC về đất đai), đó là, bổ sung nguyên tắc thực hiện TTHC về đất đai; Trình tự, thủ tục cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; Trình tự, thủ tục giao đất, cho thuê đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất không đấu giá QSDĐ, không đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất và trường hợp giao đất, cho thuê đất thông qua đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất; Trình tự, thủ tục giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá QSDĐ. Quy định các TTHC về giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để đảm bảo thực hiện tốt hơn quyền tiếp cận đất đai của tổ chức, cá nhân và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, đảm bảo đồng bộ với Luật Đầu tư và Luật Đấu thầu; đặc biệt là trình tự, thủ tục giao đất, thuê đất có mặt nước ven biển, thực hiện dự án lấn biển, công trình ngầm. Đối với tác động về TTHC, nhiều ý kiến nhận định, giải pháp này sẽ giữ tính ổn định, đáp ứng yêu cầu CCHC trong từng giai đoạn, phù hợp với Chính phủ điện tử trong giai đoạn hiện nay, đảm bảo sự linh hoạt và mang lại lợi ích cho cả người quản lý và người sử dụng đất. Đối với tác động đối với hệ thống pháp luật, về cơ bản, giải pháp này sẽ thể chế hóa được quan điểm chỉ đạo của Đảng tại Nghị quyết số 18-NQ/TW, tuy nhiên cần thống nhất với pháp luật về tiếp cận thông tin, giao dịch điện tử và an toàn mạng.

    Lần đầu tiên, nguyên tắc thực hiện TTHC về đất đai được quy định rõ ràng trong Luật Đất đai sửa đổi. Cụ thể, thực hiện TTHC về đất đai cần đảm bảo 5 nguyên tắc gồm: “1. Bảo đảm sự bình đẳng, khách quan, công khai, minh bạch và có sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời, chính xác giữa các cơ quan có thẩm quyền trong quá trình giải quyết TTHC. 2. Bảo đảm phương thức thực hiện đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện, lồng ghép trong việc giải quyết TTHC về đất đai, tiết kiệm thời gian, chi phí, công sức của tổ chức, cá nhân và cơ quan có thẩm quyền góp phần cải cách TTHC. 3. Tổ chức, cá nhân yêu cầu thực hiện TTHC về đất đai chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực của nội dung kê khai và các giấy tờ trong hồ sơ đã nộp. 4. Các TTHC về đất đai được thực hiện bằng hình thức trực tiếp, qua hệ thống bưu chính hoặc trên môi trường điện tử và có giá trị pháp lý như nhau. 5. Cơ quan giải quyết TTHC về đất đai chịu trách nhiệm thực hiện đúng thẩm quyền và thời gian theo quy định của pháp luật, không chịu trách nhiệm về những nội dung trong các văn bản, giấy tờ có trong hồ sơ đã được cơ quan, người có thẩm quyền khác chấp thuận, thẩm định, phê duyệt hoặc giải quyết trước đó”. Trong đó nhấn mạnh, các TTHC về đất đai được thực hiện bằng hình thức trực tiếp, qua hệ thống bưu chính hoặc trên môi trường điện tử và có giá trị pháp lý như nhau; Cơ quan giải quyết TTHC về đất đai chịu trách nhiệm thực hiện đúng thẩm quyền và thời gian theo quy định của pháp luật. Việc quy định trong Luật đã làm rõ về hình thức nộp hồ sơ để đảm bảo sự linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế và ứng dụng công nghệ bao gồm hình thức nộp trực tiếp, qua hệ thống bưu chính hoặc trên môi trường điện tử nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Cùng với đó, thực hiện giải quyết TTHC trên môi trường điện tử đem lại nhiều hiệu quả thiết thực cho người dân, doanh nghiệp; sẽ giúp cho doanh nghiệp, người dân thuận lợi trong việc tra cứu thông tin, dịch vụ công các ngành, lĩnh vực, các địa phương; theo dõi toàn bộ quá trình giải quyết TTHC; thực hiện TTHC mọi lúc, mọi nơi; thanh toán trực tuyến phí, lệ phí thực hiện TTHC; dịch vụ công; Rút gọn quy trình và thời gian giải quyết TTHC; Nâng cao tính minh bạch trong giải quyết TTHC; Mở rộng các kênh giao tiếp công dân; Tăng cường các hoạt động hỗ trợ công dân… Ví dụ, liên quan đến thủ tục cấp sổ đỏ, có rất nhiều quy định đã và sẽ tiếp tục được cải tiến nhằm tạo thuận lợi cho người dân. Chẳng hạn, dịch vụ thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia đã được triển khai rộng rãi trên toàn quốc. Người dân có thể ngồi tại nhà để thực hiện tất cả các bước mà trước đây phải làm trực tiếp: nhận thông báo thuế tại bộ phận một cửa, nộp tiền tại ngân hàng hoặc kho bạc nhà nước, đến bộ phận một cửa để nộp lại chứng từ. Sau các bước thực hiện qua mạng như trên, cán bộ một cửa và cán bộ đất đai tiếp tục thẩm định, cấp sổ đỏ cho người dân. Như vậy, việc thực hiện các thủ tục bằng hình thức trực tuyến sẽ giúp tiết kiệm được ít nhất 1 ngày cộng với 4 lần đi lại. Thay vì phải đến Văn phòng Đăng ký đất đai hoặc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai, người dân được quyền thỏa thuận với phía văn phòng đăng ký về thời gian, địa điểm tiếp nhận hồ sơ cũng như trả kết quả giải quyết thủ tục, miễn là không quá thời gian do Ủy ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh quy định. Điều này vừa giúp thuận tiện, tiết kiệm chi phí cho người dân, vừa giúp giảm áp lực của các cơ quan tiếp nhận hồ sơ, từ đó có tác động tốt đến xã hội. Ngoài ra, để làm rõ hơn nội dung này, Luật cũng đã bổ sung ở Chương XII về Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai và cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai với các quy định về trách nhiệm, thời gian các Bộ, ngành và địa phương đưa hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai vào vận hành, khai thác; quy định kết nối liên thông cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai với cơ sở dữ liệu của các Bộ, ngành có liên quan và quy định về dịch vụ công trực tuyến và giao dịch điện tử về đất đai nhằm tạo công cụ để người dân, doanh nghiệp có thể truy xuất, kiểm tra quá trình giải quyết TTHC về đất đai của cơ quan giải quyết thủ tục trên môi trường điện tử.

    Tại Điều 228, các quy định mang tính nguyên tắc về TTHC về giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, Chính phủ quy định chi tiết về hồ sơ, thời gian cụ thể đối với từng TTHC nhằm đảm bảo sự thống nhất trong việc ban hành TTHC và tổ chức thực hiện. Giải pháp này giúp cho việc quy định mang tính nguyên tắc về TTHC về giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đảm bảo minh bạch trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị và định hướng việc quy định chi tiết về hồ sơ, thời gian thực hiện TTHC trong văn bản quy định chi tiết thi hành Luật đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất khi triển khai thực hiện. Đồng thời, việc giao Chính phủ quy định chi tiết hồ sơ, thời gian thực hiện TTHC đảm bảo sự linh hoạt để phù hợp với tình hình thực tế của xã hội và đáp ứng khả năng cải cách, cắt giảm TTHC trong bối cảnh chuyển đổi số. Đối với người dân và doanh nghiệp, giải pháp này góp phần đảm bảo TTHC được công khai, minh bạch ngay tại Luật để người dân và doanh nghiệp chủ động thực hiện. Về tác động đối với hệ thống pháp luật, khi thực hiện giải pháp này sẽ thể chế hóa được quan điểm chỉ đạo của Đảng tại Nghị quyết số 18-NQ/TW và nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả của pháp luật.

    Trong điều kiện đất đai thuộc sở hữu toàn dân thì QSDĐ là một loại hàng hóa đặc biệt, phải được lưu thông trên thị trường bằng nhiều cách thức, trong đó có đấu giá như các loại tài sản khác. Đấu giá QSDĐ là phương thức giúp Nhà nước huy động tối đa nguồn thu cho ngân sách, tạo vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển kinh tế, xã hội. Trên cơ sở nguyên tắc cạnh tranh lành mạnh giữa những người tham gia đấu giá, người trả giá cao nhất sẽ là người nhận được QSDĐ. Từ đấu giá QSDĐ đã tạo ra nguồn thu lớn cho ngân sách để đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng như hệ thống đường giao thông, trường học, bệnh viện, trạm xá, nhà trẻ, hệ thống cấp thoát nước, hệ thống thuỷ lợi, hệ thống điện, công viên, vườn hoa cây xanh… Điều 229 của Luật Đất đai năm 2024 đã quy định cụ thể trình tự, thủ tục giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá QSDĐ. Theo đó, việc chuẩn bị tổ chức thực hiện đấu giá QSDĐ được thực hiện như sau: Đơn vị đang được giao quản lý quỹ đất lập phương án đấu giá QSDĐ trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; Đơn vị được giao tổ chức thực hiện việc đấu giá QSDĐ có trách nhiệm chuẩn bị hồ sơ của khu đất, thửa đất đấu giá, gửi đến cơ quan có chức năng quản lý đất đai để trình UBND cấp có thẩm quyền quyết định đấu giá QSDĐ; Cơ quan có chức năng quản lý đất đai tổ chức thực hiện việc xác định giá khởi điểm của khu đất, thửa đất đấu giá, trình UBND cấp có thẩm quyền phê duyệt; Căn cứ đề nghị của cơ quan có chức năng quản lý đất đai, UBND cấp có thẩm quyền quyết định đấu giá QSDĐ; Đơn vị được giao tổ chức thực hiện việc đấu giá QSDĐ có trách nhiệm tổ chức lựa chọn và ký hợp đồng thuê đơn vị, tổ chức thực hiện cuộc bán đấu giá QSDĐ. Trước đây, khi hình thức đấu giá QSDĐ để Nhà nước giao đất, cho thuê đất chưa xuất hiện, hoạt động giao đất, cho thuê đất của Nhà nước cho các tổ chức, cá nhân sử dụng chủ yếu mang tính chất hiện vật, bao cấp theo cơ chế “xin - cho” đã tạo điều kiện cho tình trạng tham nhũng trong quản lý và sử dụng đất đai. Tham gia đấu giá QSDĐ, các chủ thể phải cạnh tranh để có đất sử dụng. Các chủ thể đủ điều kiện tham gia đấu giá đều được cạnh tranh bình đẳng, không phân biệt. Trong đấu giá QSDĐ, với các trình tự, thủ tục được quy định rõ ràng trong Điều 229, từ quy hoạch quỹ đất để đấu giá đến trình tự, thủ tục tổ chức đấu giá QSDĐ theo hướng công khai, minh bạch, góp phần hạn chế tối đa điều kiện làm phát sinh tiêu cực, tham nhũng trong giao đất, cho thuê đất, trong quản lý, sử dụng đất.

 

Bình chọn Bình chọn

Theo bạn, giao diện Cổng thông tin điện tử phường đã đẹp hay chưa?