Thông tin xử phạt Thông tin xử phạt

TỪ NGÀY 15/11/2020 HÀ NỘI VÀ THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH BẮT ĐẦU PHẠT ĐỐI VỚI NGƯỜI KHÔNG ĐEO KHẨU TRANG NƠI CÔNG CỘNG.
16/11/2020 | 16:59  | View Count: 257

TỪ NGÀY 15/11/2020 HÀ NỘI VÀ THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH BẮT ĐẦU PHẠT ĐỐI VỚI NGƯỜI KHÔNG ĐEO KHẨU TRANG NƠI CÔNG CỘNG.

 

Từ hôm nay, không đeo khẩu trang nơi công cộng bị phạt đến 3 triệu đồng

 

    Từ hôm nay (15/11), Hà Nội và TP HCM bắt đầu phạt 1-3 triệu đồng nếu không đeo khẩu trang nơi công cộng.

 

Bệnh viện, bến bãi đỗ xe, phương tiện công cộng, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ là 5 điểm người dân bắt buộc phải đeo khẩu trang. Ảnh: VOV.

Trước đây, hành vi không đeo khẩu trang nơi công cộng trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp bị áp dụng mức xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100-300 nghìn đồng (theo Khoản 1, Điều 11, Nghị định 176 ngày 14/11/2013 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế).

Tuy nhiên, từ hôm nay 15/11, thời điểm Nghị định 117 chính thức có hiệu lực, hành vi trên sẽ bị phạt tiền với mức phạt tăng gấp 10 lần.

Cụ thể, tại Điểm a, Khoản 1, Điều 12, Nghị định 117 quy định, phạt tiền từ 1-3 triệu đồng đối với hành vi không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế.

Quy định mới cũng tăng mức xử phạt đối với hành vi không thông báo cho UBND và cơ quan y tế dự phòng trên địa bàn về các trường hợp mắc bệnh dịch theo quy định của pháp luật từ cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1-3 triệu đồng (mức phạt theo quy định cũ là 100-300 ngàn đồng).

Đáng chú ý, mức phạt tiền nêu trên là mức phạt tiền đối với cá nhân. Đối với các hành vi vi phạm nêu trên thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Ngoài ra, Nghị định 117 cũng quy định những hành vi vi phạm việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo hướng tăng mức phạt tiền lên nhiều lần.

Cụ thể như, phạt từ 10-20 triệu đồng đối với hành vi che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời hiện trạng bệnh truyền nhiễm của bản thân hoặc của người khác mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A; cố ý khai báo, thông tin sai sự thật về bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A; cố ý làm lây lan tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A.

Mức phạt trên cũng được áp dụng đối với hành vi không thực hiện hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng, cơ sở dịch vụ ăn uống có nguy cơ lây lan bệnh tại vùng có dịch…

Bên cạnh đó, Nghị định 117 còn quy định, xử phạt từ 30-40 triệu đồng đối với một trong các hành vi: không thực hiện yêu cầu kiểm tra và xử lý y tế đối với phương tiện vận tải trước khi ra khỏi vùng có dịch trong tình trạng khẩn cấp về dịch; không thực hiện quyết định cấm tập trung đông người tại vùng đã được ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch; đưa người, phương tiện không có nhiệm vụ vào ổ dịch tại vùng đã được ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch.

Trước đó, Bộ Y tế đã hoàn tất và ký ban hành dự thảo hướng dẫn đeo khẩu trang bắt buộc tại nơi công cộng. Theo dự thảo, các địa điểm công cộng sẽ bắt buộc đeo khẩu trang là: nhà ga, bến tàu xe, siêu thị… Người có mặt tại các địa điểm công cộng này sẽ thuộc nhóm bắt buộc đeo khẩu trang.

Sau khi hướng dẫn hoàn tất, Bộ Y tế đã gửi hướng dẫn cho các tỉnh thành để địa phương tùy tình hình cụ thể và quyết định thời gian, địa điểm công cộng bắt buộc đeo khẩu trang.

Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 thành phố Hà Nội đã quy định, tại 5 điểm: Bệnh viện, bến bãi đỗ xe, phương tiện công cộng, trung tâm thương mại, siêu thị và chợ người dân Thủ đô bắt buộc phải đeo khẩu trang.

Tuy nhiên, theo Sở Y tế Hà Nội, qua kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại các quận, huyện cho thấy nhiều người dân vẫn chủ quan với dịch bệnh, đặc biệt là không thực hiện đeo khẩu trang tại nơi công cộng như ở các khu chung cư, chợ, siêu thị.

Bình chọn Bình chọn

Theo bạn, giao diện Cổng thông tin điện tử phường đã đẹp hay chưa?