Thông báo lịch bán bảo hiểm tự nguyện Thông báo lịch bán bảo hiểm tự nguyện

Tổ chức Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2024
06/11/2024 | 10:47  | View Count: 115

Thực hiện Kế hoạch số 266/KH-UBND ngày 12/9/2024 của UBND thành phố Hà Nội về việc Tổ chức các hoạt động Hà Nội tham gia Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO năm 2024-2025, trong đó có tổ chức Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội thông tin tới các phóng viên đại diện các cơ quan truyền hình, thông tấn báo chí Trung ương và Hà Nội về nội dung các hoạt động diễn ra tại Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2024.

Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2024 dưới sự chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội - Hội Kiến trúc sư Việt Nam; do Sở Văn hoá và Thể thao, Tạp chí Kiến trúc tổ chức, cùng sự phối hợp và đồng hành của Văn phòng UNESCO tại Hà Nội, Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), Thành đoàn Hà Nội, UBND Quận Hoàn Kiếm, các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã, và các đơn vị liên quan... Lễ hội có sự tham gia đông đảo các các doanh nghiệp, nhóm cộng đồng, các chuyên gia và tài năng sáng tạo...

Bước sang năm thứ 4 được tổ chức, Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024 với chủ đề “Giao lộ sáng tạo” sẽ diễn ra từ ngày 09/11 đến ngày 17/11/2024, tiếp tục tập trung vào 3 trụ cột chính: Thiết kế, Cộng đồng và Sáng tạo. Lần đầu tiên, “Giao lộ sáng tạo” sẽ được thí điểm hình thành dọc theo 7 công trình di sản lịch sử tiêu biểu của Hà Nội với hơn 100 hoạt động sáng tạo sôi nổi thuộc 12 lĩnh vực công nghiệp văn hoá, tiêu biểu như kiến trúc, thiết kế, mỹ thuật, trình diễn, điện ảnh, quảng cáo,... Giao lộ sáng tạo không chỉ thí điểm một tuyến trải nghiệm về Kinh tế sáng tạo cho thành phố trong tương lai, mà còn là nơi thể hiện tiềm năng sáng tạo của Thành phố, góp phần cộng hưởng, kết nối và thu hút các nguồn lực sáng tạo; đánh thức tinh thần sáng tạo của các thế hệ người Hà Nội. Các hoạt động sáng tạo được tổ chức sẽ là cuộc đối thoại giữa công trình hiện hữu, gắn ký ức cộng đồng với những ý tưởng sáng tạo mới để nhấn mạnh vai trò của giới trẻ tiếp nối, phát huy các giá trị của dân tộc trong phát triển ngành công nghiệp sáng tạo, thúc đẩy Thủ đô phát triển thực sự xứng tầm là trung tâm sáng tạo của cả nước… Cùng với đó, tinh thần sáng tạo cũng được lan toả tại khắp các không gian di sản văn hóa, không gian sáng tạo, các làng nghề truyền thống trên khắp các tuyến phố, các địa bàn quận huyện, thị xã của Thủ đô. Ban Tổ chức Lễ hội cũng kêu gọi các tổ chức, cá nhân, cơ quan, cơ sở kinh doanh trên địa bàn thành phố cùng cộng hưởng sáng tạo, trưng bày tại chỗ các “sáng kiến sáng tạo” của mình.

Khu vực chính diễn ra Lễ hội là Quảng trường Cách mạng tháng Tám, kết nối trục “Tinh hoa di sản” (phố Lý Thái Tổ - Lê Thánh Tông) và trục “Kinh tế sáng tạo” (dốc Bác Cổ - phố Tràng Tiền), gồm các công trình kiến trúc nổi bật như: Cung Thiếu nhi Hà Nội, Nhà khách Chính phủ (Bắc Bộ Phủ), Nhà hát Lớn, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Đại học Tự nhiên (Đại học Tổng hợp cũ),... và 5 vườn hoa Lý Thái Tổ, Diên Hồng, Cổ Tân, 19/8, Tao Đàn trên tuyến.

1. Lễ Khai mạc Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2024

- Thời gian: 19h30 ngày 09 tháng 11 năm 2024

- Địa điểm: Quảng trường Cách mạng tháng Tám (trước Nhà hát Lớn)

2. Các hoạt động trong khuôn khổ Lễ hội

2.1. Các công trình biểu tượng

Lễ hội gồm 3 công trình biểu tượng (Pavilion) “Hành lang thơ ngây” tại Cung Thiếu nhi Hà Nội, “Dòng” ở Vườn hoa Diên Hồng và Bắc Bộ Phủ, “Rồng rắn lên mây” tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Các công trình biểu tượng được sắp đặt ở vị trí tương tác với di sản, thay vì đứng độc lập, tạo ra cuộc đối thoại với di sản và tạo sức sống cho chính các di sản đó. Thông qua đó, các nhà sáng tạo muốn viết tiếp câu chuyện sáng tạo kết nối với quá khứ, nhằm tạo ra thể thống nhất giữa truyền thống và hiện đại, có sự kế thừa và phát triển và cũng tạo ra cuộc đối thoại liên thế hệ.

(1) Pavilion “Hành lang thơ ngây” đặt tại Cung Thiếu nhi Hà Nội là không gian kiến trúc mang tính biểu tượng kết nối những tuyến hành lang đã từng, đã có, đã cũ của tuổi thơ với những nét thơ ngây và những hành lang mới, hiện tại và có thể là các hành lang trong tương lai. Hành lang Thơ ngây” bắt đầu và  kéo dài (dường như) đến ‘vô tận’ các hành lang ở Cung ra sân chung bên ngoài, làm tiền đề thiết kế Pavilion này. Điểm giao giữa các hành lang trong Cung trở thành những khối trưng bày chính, một điểm dừng để nhìn lại những hành lang cũ - mới đan liên. 

(2) Pavilion “Dòng” là một cụm 2 công trình kiến trúc được đặt tại khu vực Bắc Bộ Phủ và Vườn hoa Diên Hồng. Pavilion Dòng đưa công chúng đi từ một không gian “mở” (Vườn hoa Diên Hồng) đến không gian “đóng” (bên trong Bắc Bộ Phủ) và điểm kết của tuyến là một khu vườn nghệ thuật để người xem cảm nhận sự kết nối 2 Pavilion này, tựa như một dòng chảy lịch sử từ di sản tới hiện tại.

(3) Pavilion “Rồng rắn lên mây” đặt trong khuôn viên Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Pavillion không nhằm tạo ra một điểm nhấn kiến trúc như các Pavillion thông thường mà hoà nhập, đối thoại với cảnh quan của Bảo tàng. Từ góc nhìn này, Lễ hội mong muốn gửi thông điệp tới công chúng về những ký ức, di sản văn hoá mà chúng ta muốn lưu giữ và truyền tải tới thế hệ sau. 

2.2. Các hoạt động văn hoá nghệ thuật, trưng bày, triển lãm

Các hoạt động thu hút sự tham gia của lực lượng sáng tạo trẻ với nhiều tác phẩm đặc sắc, trong đó nhiều tác phẩm được sáng tạo dựa trên ý tưởng, chất liệu của các nghệ sĩ tiền bối, được các nghệ sĩ trẻ tiếp thu, phát triển theo ý tưởng của mình, mang hơi thở đương đại, tạo sự kết nối giữa truyền thống – hiện đại. Nhiều hoạt động trưng bày, triển lãm cũng được thực hiện ngay trong các không gian di sản tạo ra các tổ hợp triển lãm độc đáo.

(1) Cung Thiếu nhi Hà Nội được định vị như “trái tim” của tuyến Lễ hội với chủ đề “Cung Thiếu Nhi Hà Nội: Hoài niệm cho tương lai”; Nơi tập trung nhiều hoạt động chính và là nơi ươm mầm, lan toả tinh thần sáng tạo của tuổi thơ, thông qua “giao lộ” kết nối sức sáng tạo của nhiều thế hệ người dân Hà Nội. Tại đây sẽ diễn ra hơn 30 hoạt động trưng bày, giới thiệu, chiếu phim, sắp đặt kiến trúc, nghệ thuật biểu diễn, workshop, hành trình trải nghiệm, toạ đàm và các hoạt động khác góp phần đề xuất những cách thức kế thừa và tiếp nối những giá trị mà thế hệ trước để lại nhằm tạo nên cuộc đối thoại liên thế hệ giữa tinh thần sáng tạo xưa và nay.

(2) Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Tổng hợp cũ) là nơi trưng bày Tổ hợp triển lãm nghệ thuật tương tác: “Cảm thức Đông Dương”, gợi mở những cảm thức xưa cũ về kiến trúc và mỹ thuật Đông Dương, trong cảm quan đa dạng của những kiến trúc sư, họa sĩ và nghệ sĩ hiện tại, là một điểm nhấn rung cảm về kiến trúc, nghệ thuật, hình ảnh, âm thanh với hơn 20 tác phẩm nghệ thuật tương tác độc đáo với tinh thần sáng tạo trân trọng di sản, hài hoà với di sản và mong muốn những lớp người gắn bó với Thủ đô tiếp tục kiến tạo những ký ức văn hoá, đặt tiền đề cho cách sống cùng với di sản.

(3) Tuyến phố Tràng Tiền

Điểm khởi đầu của “Trục Kinh tế Sáng tạo” Tràng Tiền trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024 là Triển lãm Ý tưởng Thiết kế Sáng tạo sẽ được tổ chức tại Trung tâm Triển lãm 93 Đinh Tiên Hoàng, quận Hoàn Kiếm.

Các hoạt động trưng bày được giới thiệu tại Nhà Triển lãm (số 45 Tràng Tiền), Phòng triển lãm (số 61-63 Tràng Tiền); Các hoạt động tại Rạp Công nhân như Kịch nói, nghệ thuật trình diễn dân gian, hoạt động hội chợ giới thiệu các sản phẩm sáng tạo; Các hoạt động đường phố như: biểu diễn xiếc, nghệ thuật,  trình diễn thời trang, hoạt động cộng đồng… trên tuyến phố Tràng Tiền và các hoạt động trên tuyến phố lân cận như Nguyễn Xí, Đinh Lễ; Các không gian triển lãm, các cơ quan ngoại giao, doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh trên tuyến Lễ hội với những hoạt động, trang trí chính là những yếu tố cộng hưởng nhằm thu hút khách tham gia lễ hội.

(4) Tuyến phố Lý Thái Tổ, Lê Thánh Tông

Các hoạt động đường phố như: biểu diễn xiếc, nghệ thuật, âm nhạc, thời trang, trưng bày sắp đặt một số tác phẩm nghệ thuật, các không gian vui chơi của trẻ em… diễn ra tại khuôn viên vườn trong Bắc Bộ phủ và các vườn hoa Lý Thái Tổ, Diên Hồng, Cổ Tân, 19/8, Tao Đàn trên tuyến Lễ hội.

2.3. Hoạt động hội thảo, tọa đàm trong nước và quốc tế

Trong khuôn khổ Lễ hội diễn ra hơn 20 hội thảo, toạ đàm: Thiết kế, Nghệ thuật, Điện ảnh, Nhiếp ảnh, Thời trang, Công nghệ, Xuất bản và các lĩnh vực khác cùng các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo. Các hội thảo, tọa đàm với nội dung phong phú, gợi những điểm nhìn mang tính hệ thống của các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử, nghệ thuật, kiến trúc…  góp phần tạo ra một cộng đồng tri thức mới, đặc biệt tác động tới thế hệ trẻ hôm nay. Việc nhận thức rõ về vai trò và mối quan hệ giữa di sản văn hoá với các hoạt động sáng tạo, như một lợi thế có sẵn, sẽ giúp cho sự phát triển Thành phố sáng tạo với bản sắc văn hoá mạnh mẽ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội một cách cân bằng, hiệu quả và bền vững. Trong khuôn khổ Lễ hội còn có các cuộc Hội thảo, toạ đàm với các chuyên gia quốc tế chia sẻ kinh nghiệm các hoạt động sáng tạo trong các lĩnh vực Điện ảnh, Thời trang… những thảo luận, trao đổi nhằm phát triển của hoạt động giám tuyển bền vững tại Việt Nam và trên toàn cầu.

2.4. Tour du lịch sáng tạo kết hợp các hoạt động Lễ hội

Các đơn vị lữ hành tham gia hình thành các tour du lịch văn hoá và du lịch sáng tạo kết hợp trong các hoạt động của Lễ hội nhằm đưa khách tham quan đến gần hơn với di sản, giới thiệu về giá trị văn hoá, lịch sử, kiến trúc trong tuyến Lễ hội có kết hợp với thưởng thức nghệ thuật truyền thống và các hoạt động trong khuôn khổ Lễ hội.

2.5. Hoạt động cộng hưởng của các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo và các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội

Các hoạt động cộng hưởng sẽ diễn ra các hoạt động giới thiệu các hoạt động sáng tạo trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ, văn hóa, nghệ thuật… các hoạt động trải nghiệm có tính sáng tạo, nhằm khơi nguồn sáng tạo, hình thành những sản phẩm văn hóa chất lượng, có tính thiết kế sáng tạo, phục vụ phát triển Công nghiệp văn hóa trên cơ sở đặc trưng, thế mạnh của từng địa phương.

 

3. Sự tham gia đông đảo lực lượng sáng tạo và đồng hành của các đơn vị, tổ chức và doanh nghiệp

Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2024 là nơi gặp gỡ của gần 500 nhà sáng tạo, nhà thiết kế, kiến trúc sư, nghệ sĩ đương đại, nghệ sĩ biểu diễn, chuyên gia, những nhà nghiên cứu văn hóa - nghệ thuật… mang nhiều tâm huyết đóng góp cho Lễ hội, lan tỏa vẻ đẹp của nỗ lực sáng tạo, khuyến khích sự dũng cảm thực hành sáng tạo để thúc đẩy nền Công nghiệp văn hóa của Hà Nội - Thành phố Sáng tạo. Lễ hội có sự ủng hộ của Văn phòng đại diện UNESCO tại Hà Nội, sự đồng hành của các doanh nghiệp như: Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), Tổng Công ty Viglacera - CTCP, Tập đoàn Sovico, Công ty TNHH Lixil Việt Nam, Công ty CP Quốc tế Tam Sơn, Nội thất Landco Corporation,… và một số doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức tham gia đóng góp hoạt động và tài trợ, cung cấp trang thiết bị để thực hiện các tác phẩm.

4. Nỗ lực thúc đẩy truyền thông Hà Nội thành phố sáng tạo

Nỗ lực xây dựng chiến lược truyền thông chủ động với hệ thống 300 sản phẩm truyền thông với mục tiêu góp phần cung cấp thông tin, nâng cao nhận thức, khuyến khích sự quan tâm của nhân dân về sức sống của cộng đồng sáng tạo, kinh tế sáng tạo "từ vốn di sản, văn hoá” thúc đẩy suy nghĩ, thực hành đổi mới sáng tạo, thiết lập các thói quen sáng tạo, kết hợp sáng tạo và cuộc sống - học tập - làm việc. Chia sẻ các thông tin cho các cơ quan báo chí, kênh tiếp cận với các cá nhân tổ chức hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo góp phần giới thiệu Lễ hội và lan toả tinh thần sáng tạo trong mọi tầng lớp nhân dân, Hà Nội thành phố sáng tạo.

5. Hướng dẫn tham quan Lễ hội

Lần đầu tiên tham quan tuyến Lễ hội được hình thành, việc trải nghiệm theo tuyến đòi hỏi người tham gia nắm được lịch trình hoạt động và địa điểm hoạt động của Lễ hội, sau đó chủ động lựa chọn các hoạt động, sự kiện và  địa điểm yêu thích của mình và lên kế hoạch đi trải nghiệm theo thời gian phù hợp trong những ngày diễn ra Lễ hội. Thiết kế lễ hội theo tuyến giúp gia tăng sự tích cực tham gia, khuyến khích sự tìm hiểu và tự do lựa chọn của người trải nghiệm.

Với đặc thù lịch trình hoạt động dày đặc, tính liên ngành cao cùng nhiều hàm nghĩa gửi gắm trong mỗi hoạt động, du khách rất có thể sẽ “lạc” giữa ma trận thông tin Lễ hội. Nhiều nỗ lực được triển khai hướng tới cung cấp thông tin nhanh và toàn diện, phục vụ tốt nhu cầu thông tin của người dân Hà Nội cũng như bạn bè trong nước và quốc tế tham gia Lễ hội. Đội ngũ tình nguyện viên gần 300 bạn trẻ nhiệt huyết và năng động sẽ hiện diện tại các điểm hoạt động của Lễ hội. Được tuyển chọn kỹ lưỡng và tập huấn bài bản, các tình nguyện viên này không chỉ cung cấp thông tin mà còn là những đại sứ sáng tạo, sẵn sàng hỗ trợ khách tham quan thông tin chi tiết về các hoạt động diễn ra trong khuôn khổ Lễ hội.

Công chúng có thể liên tục cập nhật các thông tin về công tác tổ chức, các hoạt động trong khuôn khổ Lễ hội và những chi tiết lý thú, các góc nhìn mới mẻ về “Giao lộ Sáng tạo” tại hệ thống kênh truyền thông trực tuyến, bao gồm: 

- Website: https://lehoithietkesangtao.vn

- Fanpage: https://www.facebook.com/lehoithietkesangtaohn

- Instagram & Threads:  https://www.instagram.com/lehoithietkesangtaohanoi

Thời gian tham quan

Thời gian: Từ 8h30-17h các ngày từ 9/11/2024 đến 17/11/2024.

Riêng khu vực Cung thiếu nhi Hà Nội, tuyến phố Tràng Tiền: từ 8h30 đến 21h ngày 9,10,16,17/11/2024.

Một số hoạt động khác trong khuôn khổ Lễ hội ngoài những lịch hoạt động trên sẽ được thông tin cụ thể trên trang thông tin của Lễ hội.

Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024 là một trong những hoạt động ý nghĩa nhằm củng cố thương hiệu Thành phố Sáng tạo Hà Nội. Qua mỗi năm, các chủ đề và quy mô của Lễ hội ngày một mở rộng và trở thành ngày hội của giới sáng tạo và người yêu văn hoá Thủ đô. Lễ hội được tổ chức thường niên là sáng kiến hướng tới các mục tiêu của Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo ở cấp độ quốc tế của thành phố Hà Nội; tạo nên sự cộng hưởng và nguồn cảm hứng cho sáng tạo trong Nhân dân. Lễ hội đã thúc đẩy cho quá trình phát triển Mạng lưới Nhà thiết kế sáng tạo trẻ, hỗ trợ các không gian sáng tạo và ra mắt Trung tâm điều phối hoạt động sáng tạo thời gian tới./.

----------------------

Thông tin liên hệ: 

- Bà Bùi Thị Hương Thuỷ - Phó trưởng phòng Quản lý Di sản Văn hoá, Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội, điện thoại 0913228700.

- Ông Nguyễn Ánh Dương - Trưởng Ban Truyền thông Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam; điện thoại: 0916555198 - Email: duong@tckt.vn

Danh sách các hoạt động qua hình ảnh:

Bình chọn Bình chọn

Theo bạn, giao diện Cổng thông tin điện tử phường đã đẹp hay chưa?